Mấy năm gần đây, Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan dù mới thành lập cũng không được xây hội trường. Thật là chí lý. Vì nhiều vụ, hội, phường ra đời, tách ra, muốn có bộ mặt “ngang hàng với thế giới”, không chịu tận dụng cơ sở cũ, nên đua nhau dựng hội trường, phòng họp mới. Họ không chịu phải “nhờ”, “thuê”, dùng cái cũ! Phải luôn “đổi mới” mà!
Mới nghe cũng có điều phải. Nhưng thực chất của “cái vấn đề” này là ở chỗ không nói ra được, tế nhị lắm!
Xin dẫn ra một ví dụ.
Tin Bộ nọ sắp xây một hội trường chính quy, “tầm cỡ”, rất bí mật, còn “nằm” trên giấy đã đến tai nhiều người. Thế là xe “300, 500 trâu” ùn ùn kéo đến, xếp hàng, phô trương trước cổng Bộ. Một nhà xây dựng oai tín nhấc môbiphôn ấn ấn, kêu gọi “dành” cho mình việc đấu thầu. Phía đối tác, đối trọng, đối phương nghe tin đã phải mang đến mấy chục “tờ” xin ông anh bỏ qua, việc tép nhép, ông anh sờ vào làm gì, để cho tụi em...
Giá trị thay một cú đàm thoại! Chả thế mà máy môbi đắt quá trời.
“Chạy, đi nhanh, về nhanh”... may làm sao vì “đặc biệt”, vì “cần thiết” chủ trương xây hội trường được thông qua! Thế là cuộc đua xe quốc tế qua “sa mạc Paris - Đaka” cũng không gay cấn bằng... Các cháu con nhà giàu đi môtô phân khối lớn, “lạng, lách” trên đường phố bị công an thổi còi, phạt tiền, giữ xe, mặc dù các cậu ấm chẳng thèm coi cái việc ấy ra gì. Nhưng trên “đường đời”, các bác, các chú “lạng, lách” chẳng thấy ai phạt (ấy, có khi còn hoan nghênh). Họ đua nhau đút lót, mặc dù họ cũng đã cùng với “chiến hữu” ăn bẫm. Tiền của nhà nước do đó vơi đi trên công trình, đổ đầy vào túi áo các “vị”. Do đó, cho nên, hội trường mới xây xong, ngồi thử đã đổ rầm, hú vía! Cầu chưa bắc đủ qua sông cầu đã ngủ gật, bắc qua rồi mới hai, ba tuổi thơ đã gãy xương sống.
Câu chuyện nghe như mới đây sao? Không phải. Đã xảy ra từ năm 1960 nghĩa là cách đây gần nửa thế kỷ rồi.
Số là, đầu năm 1960, nghe tin một cơ quan nhà nước xây dựng một phòng họp mới, tốn phí quá nhiều tiền (trong khi bộ đội cần súng đạn, dân còn thiếu áo, thiếu cơm, trẻ em chưa có sách vở...) vì nhiều khoản tiền chìm nổi, bên nọ, bên kia, Bác Hồ tỏ ý không hài lòng, Bác đã mời cán bộ phụ trách đến nhắc nhở, phê bình. Sau đó, Bác công khai viết một bài báo có nhan đề “Chung quanh một phòng họp mới”, gửi báo Nhân dân số ra ngày 25 tháng 02 năm 1960, Bác viết:
“Cần nhắc nhở những người có trách nhiệm phải rất thận trọng trong tính toán thiết kế, thi công, để sản phẩm có chi phí hợp lý và tiết kiệm nhất”. Bác dặn: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn. Kẻ thù của nó là tham ô, lãng phí, bệnh phô trương hình thức và lối làm ăn thiếu trách nhiệm”.
Bác kêu gọi: “Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta hãy ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy”.
Xin đề nghị, in chữ to trên giấy lớn, dán lên bức tường của các vị văn phòng, thủ trưởng, mọi “nhà” thi công, thiết kế, xây dựng, đấu thầu những lời dạy trên của Bác.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










