Năm 1927, với tên gọi Thầu Chín, Bác Hồ sống và hoạt động trong kiều bào Việt Nam ở Xiêm (Thái Lan) cho đến cuối năm 1929. Đây là một trong những khoảng thời gian Người sống lâu nhất với đồng bào, trước năm 1945.
Sau khi đặt chân đến Phi Chịt, Người nêu ý kiến đi ra U Đon để tìm gặp Việt kiều, Từ Phí Chịt đến U Đon phải đi đường rừng hàng tháng. Mỗi người đi đường đều gánh theo hai thùng sắt tây đựng quần áo, đồ dùng lặt vặt có nắp đậy để tránh mưa núi, vắt rừng. Thức ăn mang đi là mười ký gạo, ống “chẻo” (thịt gà hoặc sườn lợn băm nhỏ rang muối. Sau này, năm 1945 khi đi Côn Minh Bác cũng mang theo một ống chẻo nhưng đặt tên là “muối Việt Minh”).
Thầu Chín cùng một số anh em ra đi vào dịp mùa thu. Cây rừng đang rụng lá. Trời nắng to, đường đi đá sỏi gập ghềnh, mọi người đều mệt mỏi. Thấy Thầu Chín không quen gánh, có người muốn giúp đỡ, nhưng Thầu Chín không chịu. Ít ngày sau, đôi bàn chân của Thầu Chín sưng lên rớm máu, tấy đỏ. Anh em lại yêu cầu Thầu Chín nhường gánh. Thầu Chín nói: “Thánh hiền đã dạy “Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên”, ý nói là dưới trời này không có việc gì dễ, chỉ sợ lòng người không kiên trì... Cứ cố gắng, để thế vài hôm nữa sẽ quen đi.” Quả nhiên mấy ngày sau nữa, bước chân Thầu Chín đã nhanh, gọn, đôi thùng đang đưa có vẻ nhẹ nhàng. Mấy tháng sau, có lần từ U Đon đến Xa Vang đường dài hơn bảy mươi kilômét, Thầu Chín chỉ đi hết một ngày.
Hơn 20 năm sau, vào cuối đông 1950, trong một lần gặp gỡ với anh chị em thanh niên xung phong làm đường Đèo Khế, Thái Nguyên, Bác Hồ đã đọc tặng các cháu bốn câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
Bốn câu thơ ấy, tuy là mượn ý của “thánh hiền” nhưng đã được kiểm nghiệm trong thực tế cuộc sống của Bác Hồ mấy chục năm trước đó.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










