Qua cầu Long Biên, không đi thẳng lên Bắc Ninh mà rẽ tay trái dọc theo sông Nhĩ, sau này người Pháp đặt tên là sông Hồng, ta sẽ thấy phía phải, “nằm” trong đê là Học viện Hậu cần - trước kia là Trường Sĩ quan Hậu cần. Chính nơi đào tạo sĩ quan Hậu cần này đã được Bác Hồ nhẹ nhàng phê bình rằng “chưa thật đúng bản chất của ngành Hậu cần”. Nhờ ngậm viên thuốc cay đắng ấy mà sau đó, toàn ngành Hậu cần, Trường Sĩ quan Hậu cần đã vươn lên, đã “giã tật”.
Chuyện kể rằng, vào mùa xuân năm 1960, nhân “chuyến đi thăm ruộng” (lời Bác) ở Gia Lâm, Gia Thượng, một số cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Hậu cần thấy một ông già quần xắn, đang lội ruộng. Phát hiện ra Bác, “quân ta” hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm” rồi chạy ra cổng. Bác hỏi:
- Các cháu ở đơn vị nào đấy?
- Dạ, thưa Bác, Trường Sĩ quan Hậu cần ạ.
Rồi chẳng có ý thức ngoại giao, chẳng được ủy nhiệm gì, cánh lính ta mau miệng:
- Mời Bác vào thăm trường chúng cháu ạ!
- Được rồi, Bác sẽ vào!
Tin đột ngột đến Ban Giám hiệu trường, nhưng là ngày chủ nhật, gian khổ bao nhiêu năm, hòa bình mới lập lại trên nửa đất nước, sau khi có chế độ quân hàm sĩ quan, cán bộ chỉ huy từ chiều thứ bảy đã “bơm xe, nghe thời tiết, quyết ra về” với gia đình rồi. Trực ban tíu tít, chỉ thị liên tiếp, nào vệ sinh, lo chuồng trại, nhà ăn, nhà bếp...
Lát sau, Bác đến.
Được báo cáo là chỉ huy “đi vắng”, Bác cười thông cảm.
- Chủ nhật các chú ấy về thăm các thím, các cháu là đúng. Bác cháu ta nói chuyện với nhau thôi. Nào, trường các cháu dạy những môn gì?
Một cán bộ hăng hái thưa:
- Dạ, học chiến lược, chiến thuật, triết học, chủ nghĩa Mác - Lênin, công tác chính trị, bảo vệ phòng gian, kinh tế...
Bác lắc đầu:
- Chà! Dạy nhiều lí luận thế. Mới nghe qua đã “sợ” rồi. Nhưng là Trường Hậu cần thì phải học nhiều cách quản lý, sản xuất, gia tăng, cấp phát gạo, tiền, thực phẩm, thuốc men, súng đạn đến tay bộ đội. Trường các cháu có dạy thế không? Bao nhiêu giờ?
Cán bộ kia im lặng. Một cán bộ khác “đỡ đòn”:
- Báo cáo Bác, chương trình huấn luyện của trường chủ yếu là nghiệp vụ của ngành Hậu cần.
Bác quay sang hỏi một học viên:
- Cháu tên gì, học môn nào?
- Dạ, cháu là Nguyễn On, học khoa cấp dưỡng.
Bác tươi hẳn lên:
- A! Môn này cần lắm đấy! Kháng chiến dẻo dai, thắng lợi là nhờ dân ủng hộ, đặc biệt là nhờ anh nuôi luôn có cơm ngon, canh ngọt. Thế cấp dưỡng có sản xuất, tăng gia không?
- Dạ có.
- Thế là tốt. Dẫn Bác đi thăm nào.
Bác đi qua mấy vườn rau “cải thiện” trồng ớt, húng, răm… gần bếp. Đến chuồng nuôi lợn, Bác thấy có đến hơn ba chục con. Anh em “hí hửng” chờ Bác “động viên”.
Thấy đàn lợn cắn nhau ghê quá, Bác hỏi:
- Các cháu có biết tại sao lợn rách tai, sứt mõm không?
Không ai biết câu trả lời.
Bác cười rồi nói nhỏ:
- Có một số mới ở đâu về. Lạ đàn mà!
Mấy anh bộ đội “lấy vải thưa che mắt thánh” tái mặt. Bác thông cảm nên không hỏi gì thêm.
Thăm tiếp một số nơi xong, gặp học viên có mặt ở trường chủ nhật hôm ấy, Bác nói:
- Bác đến thăm các cháu, thời gian ngắn, trường các cháu xây dựng được quy củ, ngăn nắp, thật đáng khen. Nhưng việc tăng gia, sản xuất chưa tốt. Đất bỏ hoang còn nhiều, chăn nuôi còn kém. Như vậy là lãng phí, chưa thật đúng bản chất của ngành Hậu cần. Các cháu có đồng ý không? Rõ cả chứ!
- Thưa Bác, rõ rồi ạ!
Rõ thì phải sửa chữa, phải có kế hoạch, có chỉ tiêu. Đừng có bốc đồng, đầu voi đuôi chuột. Thôi Bác về.
Thứ hai, Ban Giám hiệu về trường ngớ ra. Lập tức họp lập kế hoạch sửa chữa khuyết điểm, tích cực thực hiện lời Bác dạy.
Ít lâu sau, những luống rau cải, su hào xanh tốt mọc lên trong trường, đàn lợn mẹ, lợn con “đoàn kết” không cắn nhau nữa.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










