Sau hơn mười năm từ giã Tổ quốc ra đi, làm thủy thủ, làm thợ, làm nghề mà các ông bà quý phái cho là không danh giá gì, anh Nguyễn Tất Thành đã thu hoạch được một “hũ vàng” tri thức mà đương thời, vào độ tuổi của anh, ít ai có được trên nhiều vấn đề, nhất là về tình hình của các dân tộc thuộc địa.
Con tàu và biển cả đã nối liền các dân tộc anh em và tôi cũng nối liền sự suy tưởng của anh trong vấn đề hòa hợp và tiếp xúc.
Ngày 20 tháng 5 năm 1924, bấy giờ anh đã là Nguyễn Ái Quốc, anh có viết một lá thư gửi Petrốp - Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong thư, anh trình bày những suy nghĩ từ lâu của mình về “sự suy yếu của các dân tộc phương Đông”, theo anh, “nguyên nhân của sự suy yếu đó là sự biệt lập”.
Quan niệm của Nguyễn Ái Quốc - cách đây đã gần bảy mươi năm về sự giàu mạnh của mỗi dân tộc - nhất là thuộc khu vực phương Đông - là không thể tự giam mình trong “đơn độc”, hoặc không nên để “người ta” bỏ rơi, biệt lập mình.
Quan niệm này là một chân lý khoa học. Cũng như cây cỏ, động vật cấp thấp, động vật cấp cao - là con người - rất cần sự giao lưu, thông tin để sống, tồn tại và phát triển. Một cá nhân con người đã cần sự hòa nhập; một xã hội, một dân tộc lại có nhu cầu ấy cấp thiết đến nhường nào!
Suốt trong mấy chục năm tiến hành công tác tổ chức cách mạng, Nguyễn Ái Quốc bao giờ cũng chăm lo đến việc thu thập thông tin, tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước Việt Nam và các dân tộc có liên quan đến sứ mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy Việt Nam bị bưng bít đường ra, lối vào, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tìm cách đưa đất nước thoát khỏi sự “đơn độc”, dựa vào các nước láng giềng, bè bạn - dù thể chế chính trị có khác với Việt Nam - để hòa nhập với trào lưu thế giới.
Chung sống hòa bình trong điều kiện chiến tranh lạnh đã là một tiến bộ, một điều đáng quý lắm.
Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người nhân văn của thế kỷ XX - còn mong muốn xa hơn. Người ước vọng các dân tộc, dù ở dưới chế độ chính trị, tôn giáo, chính kiến nào, cũng có thể cùng nhau đi tới một tương lai tốt đẹp, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, giải phóng được mỗi con người, từng dân tộc - theo ý nghĩa thực sự của từ “giải phóng” đó. Gần bảy mươi năm nay, Người đã đề ra ba điều kiện, có thể gọi là ba nguyên tắc, hay ba yêu cầu, nội dung hoặc mong mỏi tránh cho đất nước bị cô lập, đơn độc, làm cho đất nước hòa nhập với bạn bè.
Theo Hồ Chí Minh, các dân tộc cần:
- Có những quan hệ và tiếp xúc với nhau. Cần thông báo cho nhau biết những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi…
- Tin cậy lẫn nhau.
- Phối hợp hành động và cổ vũ lẫn nhau...
Các nhà chính trị, kinh tế, ngoại giao... sẽ tìm thấy trong những yêu cầu trên biết bao việc phải làm. Các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình, văn hóa, nghệ thuật - nếu kế thừa được tư tưởng này của Hồ Chí Minh cũng sẽ nhận ra biết bao công việc, nếu chưa làm thì cần phải làm ngay để cho “những bức tường gì đó” không thể ngăn cản nổi những cái bắt tay bè bạn của các dân tộc, chí ít, cũng không để “bóng ma sắc tộc” gây ra đau khổ cho các bà mẹ, các em nhỏ ngây thơ, ngăn chặn những mưu toan làm sống lại những tội ác còn ghê tởm hơn bọn phát xít, diệt hủy trong con tim vốn hiền lành chí thiện của mỗi con người.
Có những sách kinh tôn giáo đã xuất hiện, tồn tại hàng ngàn năm nay và vẫn mang đến cho tín đồ một điều gì đó khiến họ bằng lòng chấp nhận.
Có những viên ngọc tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều năm vẫn nằm trên mảnh đất thân yêu của chúng ta mà vì một lý do nào đó, ta chưa tìm thấy, nay đã soi ánh sáng huyền diệu cho thời đại này. Ở thời điểm hôm nay mà ta vẫn tưởng rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói với chúng ta ngày hôm qua.
Xông ra ngoài trời nắng, chắc sẽ không như ở trong buồng the mà sẽ có giông bão, sẽ gặp chông gai. Tai phải thính, biết chọn lọc, óc phải tỉnh, để suy ngẫm, để có một cơ thể khỏe mạnh, một tâm hồn trong sáng, một cái gốc truyền thống vững vàng.
Trong thế giới hôm nay, ba điều mong ước trên Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đem lại lợi ích cho nhiều người.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










